Phổ tự kỷ

Rối loạn lan tỏa là gì?

Một số phụ huynh cho rằng; Bác sĩ bệnh viện chẩn đoán con tôi là rối loạn (RL) phát triển lan tỏa chứ không phải là tự kỷ. Vậy rối loạn phát triển lan tỏa là gì? Mối quan hệ của nó ra sao với tự kỷ? Hiểu như thế nào cho nó đúng?

RL phát triển lan tỏa hay còn gọi là RL lan tỏa phát triển có kí hiệu trong IDC 10 (phân loại bệnh quốc tế) là F84, chúng ta thường thấy bác sĩ kí hiệu trong sổ khám. Đây là một nhóm rối loạn đặc trưng bởi những bất thường về chất lượng trong các tương tác xã hội, phương thức giao tiếp, các thích thú và hành vi định hình thu hẹp lặp đi lặp lại. Các bất thường này hình thành một cách lan tỏa trong mọi hoạt động của đối tượng trong mọi hoàn cảnh, mặc dù có thể ở nhiều mức độ khác nhau, thường khởi phát trong 5 năm đầu đời của cá nhân.

Trong nhóm RL phát triển lan tỏa (F84) này còn chia nhỏ thành tên các RL khác nhau. Thường trong những lần thăm khám lần đầu, hay tuổi còn nhỏ thì người ta thường để là RL phát triển lan tỏa. Nhóm này chia nhỏ thành các RL khác như sau:

F84.0 Tính tự kỷ của trẻ em

Thường không có giai đoạn đầu phát triển bình thường rõ rệt, nhưng nếu có, thì những bất thường xuất hiện trước 3 tuổi. Luôn luôn có các bất thường về chất lưọng trong sự tương tác xã hội, xuất hiện dưới dạng sự biểu hiện không thích hợp các dạng cảm xúc xã hội như : thiếu sự đáp ứng cảm xúc với người khác và /hoặc không có tác phong biến đổi cho thích ứng với bối cảnh xã hội, kém sử dụng các tín hiệu xã hội và kém chỉnh hợp các tác phong giao tiếp , xã hội và cảm xúc, đặc biệt thiếu tương tác cảm xúc xã hội qua lại .

Thường có các hành vi định hình lặp đi lặp lại và tác phong bị thu hẹp, chống đối lại các thay đổi có liên quan đến thói quen sinh hoạt hoặc môi trường cá nhân làm cho các hoạt động mang tính cứng nhắc, nghi thức.

Ngoài ra, còn có các biểu hiện không đặc hiệu đi kèm như : rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, ám ảnh sợ, các cơn gây hấn và tổn thương cho bản thân hoặc người khác, rối loạn cảm xúc…

F84.1 Tự kỷ không điển hình

Khởi phát của bệnh có thể xuất hiện sau 3 tuổi và/hoặc không có đầy đủ các bất thường trong ba lĩnh vực khảo sát: tương tác xã hội, hành vi giao tiếp và hành vi tác phong . Tự kỷ không điển hình ngoài những khác biệt với hội chứng tự kỷ ở trên còn có một số khác biệt nữa là: cũng có đủ cả ba tiêu chuẩn đặc trưng như tự kỷ nhưng mức độ nhẹ hơn-ít trầm trọng hơn, cũng như tương tác xã hội tốt hơn, có những dấu hiệu ngôn ngữ khả quan hơn, tính sáng tạo và khả năng thay đổi hơn…

F84.2 Hội Chứng Rett

Một trạng thái bệnh nguyên nhân chưa biết, thường gặp ở bé gái, khởi bệnh trường trước 3 tuổi. Sự phát triển ban đầu gần như bình thường, sau đó đột nhiên có một sự mất đi, thoái lui dần dần các kỹ năng và ngôn ngữ đã được tiếp nhận trước đó, xuất hiện các hành vi định hình và mất dần khả năng giao tiếp xã hội dù quan tâm xã hội có khuynh hướng được duy trì.

F84.3 Rối loạn tan rã khác của trẻ em (hội chứng thoái triển)

Một RL phát triển lan tỏa (khác với hội chứng Rett) phát triển bình thường cho đến khoảng 2 tuổi, kế đến là mất rõ rệt các kỹ năng đã học được trước đó, giảm chất lượng các quan hệ xã hội, mất khả năng thích ứng, mất khả năng kiểm soát cơ vòng,… gia tăng các hành vi định hình.

Tình trạng này không do tổn thương thực thể não gây nên.

F84.4  Rối loạn tăng hoạt động kết hợp với chậm phát triển tâm thần và các động tác định hình

Đây là một rối loạn không rõ ràng và giá trị phân loại bệnh không chắc chắn. Chẩn đoán được xác lập dựa trên sự kết hợp giữa sự gia tăng hoạt động nặng nhưng không thích hợp về mặt phát triển, các động tác định hình, và chậm phát triển tâm thần nặng. Nhưng không phải là tình trạng được xếp vào các mã F84.0, F84.1 và F84.2.

F84.5: Hội Chứng Asperger

Thường xuất hiện trên bé trai nhiều hơn bé gái, đặc trưng bởi sự bất thường trong các tương tác về mặt quan hệ xã hội; tuy nhiên thường không có các bất thường về phát triển ngôn ngữ hoặc phát triển nhận thức đi kèm; các đối tượng thường có trí tuệ bình thường nhưng khá vụng về.

F84.8: Rối loạn phát triển lan tỏa khác

F84.9: Rối loạn lan tỏa khác không đặc hiệu

Đây là mục chẩn đoán còn lại dùng cho các rối loạn phù hợp với sự mô tả chung về các rối loạn phát triển lan tỏa nhưng trong đó còn thiếu các thông tin thích hợp hay có các nhận xét mâu thuẫn với nhau, làm cho các tiêu chuẩn chẩn đoán không được thỏa mãn dưới bất cứ mã nào khác của F84.

(bài viết sử dụng tài liệu sách; phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 về các rối loạn tâm thần và hành vi)

Avatar

admin

About Author

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Có thể bạn quan tâm?

Phổ tự kỷ

TỰ KỶ CHỨC NĂNG CAO/ HỘI CHỨNG ASPERGER (ASPERGER SYNDROME/HFA) LÀ GÌ?

  • 23 Tháng Bảy, 2022
Viện rối loạn thần kinh và đột quị quốc gia (National Institute of Neurological Disorders and Stroke – NINDS), một
Phổ tự kỷ

Làm thế nào phát hiện sớm chứng tự kỷ?

  • 23 Tháng Bảy, 2022
Khi được bác sĩ cho biết là trẻ có nhiều dấu hiệu của chứng tự kỷ, gia đình tôi rất