Nhận biết về trẻ tự kỷ

Hiện nay, rối loạn tự kỷ không còn xa lạ gì trong xã hội chúng ta. Đến một trường Mầm non, gặp một vài trường hợp trẻ tự kỷ là điều dễ thấy. Tuy nhiên, hai từ “tự kỷ” ngày nay lại đang bị lạm dụng (loạn ngôn) khá nhiều, một đứa trẻ nó chơi một mình, hay ít hòa đồng với bạn bè … là có thể bị chính giáo viên của trẻ hay mọi người xung quanh quy kết là tự kỷ. Sự hiểu nhầm này là cho phụ huynh khó chịu và chính những trẻ này cũng bị ảnh hưởng đến tâm lý.
Vậy thì, để làm sao biết trẻ đó có phải là tự kỷ hay không thì phụ huynh cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa về tâm lý trẻ, các bác sĩ, chuyên gia sau khi làm việc với trẻ sẽ có câu trả lời cho phụ huynh. Phụ huynh có thể tham khảo các tiêu chí sau đây để đánh giá về một trẻ có tự kỷ hay không. Đây là bản DSM-5 (DSM là chữ viết tắt của hiệp hội tâm thần học Hoa Kì , 5 là phiên bản mới 2013)
A. Suy kém kéo dài trong giao tiếp xã hội và tương tác xã hội trong nhiều bối cảnh. Biểu hiện ở thời điểm hiện tại hoặc trước đây:
A1: Suy kém tương tác, xúc cảm – xã hội. VD: Khó khăn trong việc làm quen, thất bại trong việc giao tiếp qua lại. khó khăn việc chia sẻ các sở thích, xúc cảm bị suy kém, không có khả năng thiết lập hoặc đáp ứng các tương tác xã hội.
A2: Suy kém việc sử dụng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ trong tương tác xã hội. VD: việc giao tiếp bằng lời nói và không lời rất kém. Có sự bất thường trong việc sử dụng ánh mắt và ngôn ngữ cơ thể, hoặc rất kém (thiếu hoàn toàn) việc biểu lộ nét mặt và giao tiếp không lời.

A3: Suy kém việc thiết lập, duy trì và hiểu được các mối quan hệ. VD: khó khăn trong việc điều chỉnh hành vi cho phù hợp với bối cảnh xã hội. Khó khăn trong trò chơi tưởng tượng hoặc trong việc kết bạn; thiếu quan tâm đến bạn bè cùng trang lứa
B. Các hành vi, sở thích hoặc các hoạt động có tính định hình, lặp đi lặp lại, được biểu hiện ít nhất 2 trong số các biểu hiện sau trong quá khứ hoặc hiện tại:
B1: Các vận động, sử dụng đồ vật, hay ngôn ngữ có tính định hình, lặp đi lặp lại. VD: kiểu định hình vận động đơn giản, sắp xếp đồ chơi theo hàng, lật đồ chơi (mân mê), nhại lời, những cách nói mang biểu hiện riêng…
B2: Nhất định đòi hỏi sự giống nhau, tuân thủ cứng nhắc các thói quen. Ngôn ngữ và phi ngôn ngữ có tính nghi thức. VD: khó chịu khi có sự thay đổi nhỏ, khó khăn với những chuyển đổi, các mẫu suy nghĩ cứng nhắc, các nghi thức chào hỏi. Các hoạt động diễn ra như định sẵn.
B3: Sở thích bị hạn chế và phụ thuộc mà có những bất thường về cường độ và mức độ tập trung. VD: phụ thuộc (gắn bó) mạnh mẽ hoặc bận tâm quá mức với các đồ vật một cách không bình thường, các sở thích hạn hẹp và dai dẳng quá mức.
B4: Phản ứng quá mức hoặc dưới mức bình thường đối với các tác động giác quan hoặc ham thích không bình thường đối với các loại kích thích cảm giác của môi trường. VD: thờ ơ với cảm giác đau/ nhiệt độ, phản ứng khó chịu với âm thanh hoặc bề mặt xúc giác (trơn, nhám, mịn…), ngửi hay sờ mó đồ vật, mải mê quan sát các loại hình ảnh hay di chuyển một cách quá mức
C. Các triệu chứng phải xuất hiện trong các giai đoạn phát triển sớm (có thể không biểu hiện đầy đủ cho đến khi nhu cầu xã hội vượt quá khả năng, hoặc có thể được che đậy bởi phương pháp đã học được trong cuộc sống)
D. Các triệu chứng gây suy yếu đáng kể về mặt lâm sàng trong các lĩnh vực xã hội, nghề nghiệp hoặc các lĩnh vực quan trong khác của chức năng hiện tại.
E. Những rối loạn này không thể giải thích được bởi khuyết tật về trí tuệ (RL phát triển trí tuệ) hoặc chậm phát triển toàn diện. Khuyết tật trí tuệ và RL phổ tự kỷ thường hay đi kèm với nhau; để chuẩn đoán RL phổ tự kỷ và khuyết tật trí tuệ thì giao tiếp xã hội sẽ phải ở dưới mức mong đợi so với mức phát triển chung.
Việc chẩn đoán rối loạn tự kỷ không khó, tuy nhiên cái khó nhất là làm sao để hỗ trợ cho trẻ, can thiệp tâm lý là can thiệp những cái gì? Đó là câu hỏi dành cho bậc cha mẹ và các nhà chuyên môn. Can thiệp đúng phương pháp sẽ giúp trẻ cải thiện các vấn đề suy kém của trẻ. (tìm hiểu thêm tại link http://songtre.edu.vn/bai-viet/kien-thuc-co-ban-ve-tre-tu-ky-14.html )
TỰ KỶ PHỔ BIẾN NHƯ THẾ NÀO?
Hiện tại, ở Việt Nam chưa có thống kê nào quy mô và chính thống về tỷ lệ trẻ tự kỷ. Ở Hoa Kỳ tỷ lệ này là 1/68 trẻ, tăng 23% trong hơn hai năm qua và không có lời giải thích nào được đưa ra cho sự gia tăng này. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ bé trai mắc tự kỷ nhiều hơn so với bé gái là 3-4 lần. Cũng tại Hoa Kỳ, có khoảng 1/54 trẻ trai được chuẩn đoán mắc tự kỷ (có nghĩa là cứ 54 trẻ trai thì có 1 trẻ mắc tự kỷ) .
NGUYÊN NHÂN CỦA TỰ KỶ LÀ GÌ?
Làm việc với phụ huynh, tôi nhận thấy là khi bé được chẩn đoán tự kỷ thì phụ huynh luôn nghĩ ngay tới nguyên nhân nào mà con bị như vậy, chồng đổ lỗi cho vợ và ngược lại, nhiều khi còn đổ lỗi cho ông bà. Có nhiều phụ huynh lại tự trách mình quá lo làm ăn hay bỏ bê bé trong giai đoạn trước nên giờ bé mới như vậy. Cái này giống với quan niệm của Leo Kanner từ năm 1943, quan điểm này bị phê phán và bác bỏ vào những năm 1960 – 1970.
Phụ huynh nhớ rằng, tự kỷ là rối loạn có nhiều nguyên nhân kết hợp từ yếu tố di truyền tương tác với yếu tố môi trường. Một số genes nhạy cảm với tự kỷ đã được xác định, có nghĩa rằng một vài cá nhân có nhiều khả năng phát triển tự kỷ nếu có biến thể đặc thù của genes này, hoặc trong một số trường hợp một đột biến hiếm gặp trong các genes. Nhiều genes có khả năng góp phần dẫn đến tự kỷ. Việc tiếp xúc với tác nhân từ môi trường gây bệnh hoặc các chất hóa học trong thai kì có thể gây ra tự kỷ.
Tóm lại, tìm ra nguyên nhân tự kỷ là công việc mà các nhà chuyên môn đang tìm hiểu, nghiên cứu. Phụ huynh không nên cố gắng tìm nguyên căn để đổ lỗi, trách móc, cái quan trọng là bạn giúp con mình thế nào.
`